Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh nằm trong dãy núi đá vôi phía tây bắc thành phố Lạng Sơn (thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Với diện tích trên 52ha, nơi đây có những hang động tự nhiên kỳ thú. Theo tài liệu của các nhà địa chất, đây là vùng thuộc hệ Triat, phiến thạch, các hang động này được tạo nên từ lâu đời cách ngày nay từ 360 đến 245 triệu năm.
Sơ đồ khu di tích
Động Nhị Thanh - Chùa Tam Giáo
Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 - 1780. Ông là một bậc hiền thánh đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thuỷ trong vùng, Ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho hưng công xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt quân, Thạch miên am, Thụy tuyền hiên, Trai táo. Ngô Thì Sĩ bắt đầu cho tiến hành việc tôn tạo từ tháng Trọng Thu năm Kỷ Hợi (tức tháng 5 năm 1779 âm lịch) đến tháng Mạnh Thu (tức tháng 7) cùng năm thì hoàn thành.
Động Nhị Thanh
Ngô Thì Sĩ là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Khi đỗ đạt làm quan, để tưởng nhớ đến quê hương, Ông đã dùng hai chữ Thanh của quê hương đặt cho tên hiệu của mình là: Nhị Thanh Cư Sĩ và sau này khi phát hiện ra động Nhị Thanh, Ông đã dùng chính tên hiệu của mình đặt tên cho động, chính vì vậy mà động có tên gọi là động Nhị Thanh. Tại đây, người xưa đã khắc chân dung Ngô Thì Sĩ trên hốc đá nhỏ ở độ cao 8m trong tư thế Kiết Già ngồi dựa vào vách đá giống như người thật của ông. Đây là bức chạm khắc chân dung có giá trị nghệ thuật độc đáo được tạo tác vào đá nhưng không làm mất đi vẻ mềm mại của thân thể (trong bia Ma Nhai Bài Ký Động Nhị Thanh nói rõ về điều này). Ngày nay nhằm báo đáp công ơn của Ngô Thì Sĩ, nhân dân trong vùng đã cho xây dựng ban thờ Ông ngay trong động Nhị Thanh.
Ngày 28 tháng 7 năm 1779 âm lịch, Ngô Thì Sĩ tổ chức mở hội tại nơi đây, trên chùa Tam Giáo thì tế lễ, trong động Nhị Thanh tổ chức ăn uống, ca hát, múa rối nước và các trò diễn khác trong 7 ngày 7 đêm. Trong bia Ma Nhai “Bài ký động Nhị Thanh” có ghi về việc này như sau: Đêm đầu mở hội có một con hổ to như con bò đến gần sân khấu hang Thông Thiên vòng quanh đàn lễ rồi đi không thấy quay trở lại, nên dân chúng ban đêm không còn sợ hãi nữa; lại có một con Giao Long, râu và đuôi đều đỏ vào phường múa rối nước như muốn xem trò, đuổi cũng không đi, khi các trò diễn kết thúc thì không thấy đâu nữa nên mọi người dự hội ai cũng cho là lạ. Sau đó Ngô Thì Sĩ đã cho tạc tượng Hổ ở bên phải và tượng Giao Long ở bên trái trước cửa động Nhị Thanh để ghi nhớ hai con vật linh thiêng.
Phía bên phải động Nhị Thanh là chùa Tam Giáo (Tam Giáo Tự). Ngô Thì Sĩ cho rằng đạo là một mà thôi, Phật - Lão chỉ khác tên nhưng nội dung đều là Nho cả. Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca tuy tên là ba nhưng thực đạo đều thống nhất là một. Chính vì vậy Ông đã đưa 3 đạo vào thờ chung một chùa và gọi là chùa Tam Giáo.
Chùa Tam Giáo
Chùa Tam Giáo còn là một loại hình kiến trúc đặc biệt: Không có mái, không có nhà, ban thờ được đặt trong các hang, hốc đá làm cho ta có cảm giác thiên tạo với những nhũ đá kỳ vĩ càng tạo nên sự linh thiêng của ngôi chùa. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Công Đồng, Cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Sơn Trang, Cung Tam Bảo...
Bên trái chùa Tam Giáo là đường vào động Nhị Thanh và suối Ngọc Tuyền trong vắt ẩn hiện dưới lùm cây trông thật nên thơ hữu tình. Phía ngoài động trên cao có dòng chữ Hán "Nhị Thanh Động" với khổ chữ lớn khắc chìm vào vách đá. Vào phía trong động trên vách bên phải là hệ thống bia Ma Nhai với 20 văn bia đủ mọi kích thước xen kẽ nhau. Nội dung bia chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và con người Xứ Lạng, ghi lại việc phát hiện, tạo dựng động Nhị Thanh và chùa Tam Giáo của các bậc tiền nhân, trong đó có bài "Nhị Thanh động phú" tức bài phú động Nhị Thanh của Ngô Thì Sĩ viết năm 1779 cùng bài thơ tự tán của Ông khi mới phát hiện và đặt tên cho động Nhị Thanh và các bài viết của tiến sĩ Lê Hữu Dung - Phụng sai Đốc đồng xứ Lạng Sơn tham hiệp quân vụ năm 1780 cùng nhiều bài viết của các danh nhân thi sĩ khác.
Đi thêm khoảng 100m, qua 2 chiếc cầu kiều bắc qua những khúc suối quanh co đã mở ra một không gian rộng lớn với nóc hang cao vút, có cửa thông thiên, phía trong có một thác nước đổ xuống theo khe đá hoà nhập cùng với suối Ngọc Tuyền chảy ngầm dưới nền Động, tạo nên những âm thanh huyền bí. Vào năm 1779, Ngô Thì Sĩ viết trong "Bài Ký Động Nhị Thanh" rằng: "Người đi thuyền phải cúi rạp xuống, dùng tay vịn vào vách đá đẩy thuyền mới qua được và do suối chảy dưới nền động nên không thấy dòng suối đâu".
Dưới chân thác nước, Ngô Thì Sĩ cho tôn một thềm đất cao để làm sân khấu. Tại đây ông đã chọn làm nơi trung tâm vui chơi giải trí trong ngày mở hội ăn mừng sau khi xây dựng xong chùa Tam Giáo và cải tạo động Nhị Thanh, sau này nơi đây trở thành nơi hội họp biểu diễn văn nghệ của nhân dân trong những năm đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc nước ta. Trên nóc động có khe nhỏ ánh mặt trời rọi qua, được người dân gọi là hang Thông Thiên. Trong “Bài Phú Động Nhị Thanh” có câu:
“Hang gọi tên Thông Thiên
Ánh mặt trời hơi đỏ”
Ngô Thì Sĩ còn cho khắc ba chữ lớn trên nóc hang là “Hang Thông Thiên”.
Vòng sau cánh gà sân khấu qua khúc ngoặt là đến hang Giao Long, ta như lạc vào “vườn thạch nhũ”, chỗ rộng nhất đến 25m, chiều dài hút tầm mắt, trần và nền hang tương đối bằng phẳng có muôn hình nhũ đá với các hình thù khác nhau: hình con voi phục, hình rùa đang bò… Nhiều cột đá đứng bên mép suối đỡ lấy trần hang, nhiều nhũ đá rủ, mầm đá cao thấp như những bức rèm lớn vắt lên hai bên thành động, cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ vĩ. Đi tiếp ra phía sau qua 3 cây cầu là đến cổng sau thông ra bên ngoài. Từ đây có thể quan sát thấy cửa động Tam Thanh với khoảng cách là 500m.
Động Tam Thanh - Chùa Tam Thanh
Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh là di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng với câu ca dao:
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em..."
Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Trong cuốn "Đại Nam Nhất Thống Chí" của Quốc Sử quán triều Nguyễn có viết rằng:"Chùa này nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng phật phụng thờ, lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền".
Về niên đại: Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở chùa hiện nay là bia "Trùng tu Thanh Thiền động", được chế tác vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nội dung tấm bia ghi chép về việc trùng tu di tích, quá có có thể nói rằng chùa này đã có từ trước đó.
Về tên gọi: Theo các nhà nghiên cứu cho rằng: Nơi này, xưa kia nguyên là nơi thờ tự của Đạo Giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là ba cung Thanh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản, đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh Đại Đế), Linh Bảo Thiên Quân (Thượng Thanh Đại Đế), và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái thượng Lão Quân). Sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương, người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào thờ ở trong chùa là chính. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Tam Bảo (thờ Phật), Cung Đức Ông, Cung Công đồng Thánh Mẫu, Cung Ngũ Dinh, Cung Cấm (nơi thờ ADi Đà), Cung Sơn Trang. Trong động Tam Thanh hiện nay, các dấu tích của Đạo Giáo chỉ còn lại cái tên Tam Thanh và ngày lễ hội chính của Chùa là ngày 15 tháng Giêng cũng là một biểu hiện Đạo Giáo khi xưa (một ngày lễ hội lớn trong Đạo Giáo).
Tượng Adiđà trong động Tam Thanh
Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê - Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là: "Trùng tu Thanh Thiền Động" nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tấm bia cổ tiếp theo là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Ngoài ra là hai bài thơ của hai vị quan triều Nguyễn (Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố) cho tạc khắc khi theo giá vua khải Định năm 1918 ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp danh thắng này. Tại di tích hiện còn có tấm bia chữ Nôm do tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924, bia có nội dung ca ngợi cảnh đep của di tích và được phiên âm với nội dung:
" Xanh xanh xanh ngắt trấn thành Tây
Cảnh động này xây lắm vẻ say
Non nước đi về quen bóng hạc
Gió mây đưa đón thoảng làn mây
Giá trong bể hoạn gương còn tỏ
Lửa ngất non tình đá cũng ngây
Trải mấy tang thương lầm bụi tục
Rượu bầu thơ túi vẫn là đây"
Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu "tiền Phật hậu Thánh". Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.
Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi... Đi vào bên trong ta bắt gặp một sân khấu nhỏ, xung quanh có những nhũ đá nhiều hình thù khác nhau do thiên nhiên tạo nên, có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá đẹp lạ thường. Cạnh khu vực sân khấu có lối dẫn lên cổng trời, tại đây ta có thể đứng ngắm nhìn quang cảnh của một vùng nông thôn quanh khu vực di tích. Phía ngoài cửa động Tam Thanh hiện nay còn có nhà sàn và mô hình cọn nước, cối giã gạo đặc trưng của người dân tộc Tày Lạng Sơn.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và của đế quốc Mỹ xâm lược, động Tam Thanh là nơi cất giữ kho tàng hậu cần của quân đội ta. Nơi đây đã chứng kiến biết bao những trận đánh oai hùng giữa quân đội ta với kẻ thù. Tại đây vào ngày 17 tháng 5 năm 1953 các chiến sĩ tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu bẻ gãy đợt tập kích của quân Pháp nhằm phá huỷ căn cứ, nguồn tiếp tế hậu cần của ta, bị thất bại quân Pháp phải rút chạy nhưng cũng tại nơi đây 9 đồng chí của ta đã anh dũng hi sinh. Ngày 22/12/2003 Sở Văn hoá - Thông tin Lạng Sơn phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng Việt Nam đ· xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại cửa chùa, đến năm 2008, Bộ Quốc Phòng lại tiến hành xây dựng thêm nhà bia, để ghi lại truyền thống anh hùng của bộ đội ta và tuyên truyền giáo dục cho thế hệ mai sau.
Núi Tô Thị
Tượng đá Nàng Tô Thị nằm trong quần thể di tích Nhị-Tam Thanh đã đi vào truyền thuyết, ca dao của dân tộc ta, tượng Nàng Tô Thị chờ chồng như một biểu tượng cho lòng chung thuỷ son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Núi Tô Thị
Truyền thuyết về đá Vọng Phu có nhiều dị bản khác nhau, tuy nhiên câu chuyện về nàng Tô Thị của người Lạng Sơn có nội dung như sau: Có hai vợ chồng nhà họ Tô, sinh được một người con trai và một người con gái. Lúc cha mẹ vắng nhà, người anh nhặt đá ném chim, chẳng may trúng phải đầu em, máu chảy lênh láng. Người anh sợ quá trốn sang Trung Quốc. Năm 30 tuổi, chàng lần mò về quê và sinh cơ lập nghiệp tại Lạng Sơn. Sau đó lấy vợ là con một nhà buôn và sinh được một đứa con. Một hôm chàng chải tóc cho vợ, thấy có vết sẹo trên đầu vợ, hỏi chuyện thì mới biết vợ chính là em gái mình.
Biết rõ sự thật, người chồng rất đau buồn, nhưng vẫn không cho vợ biết. Nhân khi nhà vua chiêu mộ lính, người chồng ra ứng mộ. Trước khi đi người chồng dặn vợ nếu sau 3 năm mà không thấy về thì người vợ cứ đi lấy chồng khác. Sau đó chồng đi biệt tích không về nữa.
Người vợ ở nhà chờ chồng 3 năm, không thấy chồng về. Hàng ngày nàng bồng con lên núi, mắt hướng về phía chồng ra đi. Một hôm bỗng có một cơn mưa và bão lớn, nàng vẫn bồng con đứng đó không về, sau cơn mưa bão mọi người lên núi thì thấy hai mẹ con đã hóa đá. Từ đó mọi người gọi hòn đá ấy là nàng Tô Thị vọng phu.
Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc nằm cạnh núi Nàng Tô Thị. Vào năm 1527, lợi dụng nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung đã phế ngôi vua Lê Chiêu Tông lập nên nhà Mạc, tồn tại gần một thế kỷ. Năm 1592, nhà Lê được Chúa Trịnh giúp đỡ đánh bật nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tàn dư nhà Mạc chạy lên các tỉnh biên giới phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và lập căn cứ để chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lúc bấy giờ, Lạng Sơn có Ngụy Đôn Hầu Mạc Kính Cung chiếm giữ và ra lệnh xây đắp thành ở núi Vệ Sơn - Đông Kinh (Thành nhà Mạc bây giờ). Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là một căn cứ quân sự quan trọng, hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo nối giữa nước ta và Trung Quốc. Suốt cả thập niên cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Những thành lũy này thường lợi dụng địa hình tự nhiên như hai sườn núi tạo nên một lòng chảo khá rộng, chỉ việc xây thành bịt hai đầu. Đó là đặc điểm riêng của "Thành nhà Mạc" không giống với thành nhà Lê trước đó và thành nhà Nguyễn sau này.
Thành được xây dựng bằng đá kiên cố, có lỗ châu mai. Thành dài 300m, mặt Thành dày 1m, cửa được bố trí thuận tiện cho việc phòng thủ. Lịch sử còn ghi lại rằng nhờ có Thành này, nhà Mạc đã làm cho nhà Lê - Trịnh phải khốn đốn hao binh tổn tướng.
Dấu tích hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường thành xây bằng đá giữa hẻm núi. Đây là một di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời kỳ chiến tranh tương tàn trong lịch sử Việt Nam. Hiện nay di tích thành Nhà Mạc đã được đầu tư, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch. Đứng trên Thành nhìn về phía đông có thể bao quát được toàn thành phố Lạng Sơn.
Hàng năm trong quần thể di tích danh thắng Nhị-Tam Thanh còn tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân như: hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) cầu một năm sản xuất tốt, đời sống được ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt là Lễ hội chùa Tam Thanh – Tam Giáo được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, với nghi lễ rước kiệu đặc sắc và các hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến tham dự.
Quần thể di tích Nhị - Tam Thanh, Núi Tô Thị, thành Nhà Mạc là di sản văn hóa quí báu của nước ta nói chung, của tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Khu di tích đã được xếp hạng cấp Quốc Gia từ năm 1962. Khu di tích này luôn được các cấp, các ngành quan tâm bảo vệ, đầu tư tôn tạo nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, hành lễ của nhân dân trong vùng và du khách thập phương./.
Ban Quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài viết!
» Không sử dụng những từ ngữ thô tục, vi phạm thuần phong mỹ tục
» Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư
» Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người có thể đọc!
» Nếu comment bằng Facebook thì xin vui lòng tag mình vào để mình biết để trả lời cho các bạn nhé, nick fb: https://www.facebook.com/supermancua.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!